27/3/13

Thư dài số 1



Mẹ,
Con thấy ghét mọi thứ, dẫu con biết như vậy thật vô duyên và vô cùng lố bịch.
Tối hôm qua, khi thấy nó đi đi lại lại trước mặt, một cảm giác tức giận đã bắt đầu trào lên trong con. Con ghét nó. Mỗi tiếng động nó tạo ra trong căn phòng này đều như những hòn đá đồng loạt chọi vào đầu con. Cái vẻ chịu đựng của nó bỗng nhiên trở nên lầm lì đến không thể chấp nhận nổi. Còn sự im lặng vốn có vẻ hiền lành của nó thật chẳng khác nào đang trêu ngươi con. Tối hôm qua con thật sự đã muốn lao về phía nó mà gây sự, con muốn hét lên, chửi mắng nó, đấm đá nó, con muốn nói với nó rằng nó phải biến ngay cho khuất mắt con. Nhưng con đã không làm như vậy. Con chỉ kéo gối để nằm xuống, bảo nó ngồi tránh xa con ra, rồi bắt đầu chịu đựng cảm giác khó thở vì cơn giận cứ dồn dập chạy khắp các mạch máu đang sôi ùng ục của mình. 
Gần đây, sáng nào con cũng thức dậy cùng với những cơn ê ẩm lan ra khắp người. Con không thể dậy ngay lập tức được nữa, chỉ nằm đó và nhìn lên trần nhà sạch như lau như li. Nửa tiếng. Rồi một tiếng. Mẹ chắc không ngờ tới việc này đâu, nhưng rốt cuộc thì cảm giác ghê tởm đã bắt đầu trườn ra từ trong quá khứ và bám được vào con. Những lúc nằm im lìm và nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt (mà thực ra là chẳng nhìn gì), con luôn cảm nhận rõ ràng có một thứ nào đó dị dạng và nhớp nháp đang bò lan khắp người, một cách chậm rãi, như thể nó cố tình muốn con nhận ra được sự xuất hiện của nó, rồi nó từ từ chảy vào miệng con khiến con lợm giọng. Những khi như vậy, thật trớ trêu, con luôn nhớ tới những kẻ mà trước đây con từng qua lại, dù con rất ghét chúng nó nhưng con vẫn cứ qua lại. Tại sao lúc đó con vẫn chịu được những cái miệng làm con phát tởm, con vẫn chịu được mấy bàn tay bẩn thỉu sờ soạng khắp người, tại sao con vẫn luôn vô cảm với tất cả những thứ đó cho đến lúc này? Bạn con đã từng cảnh báo rằng mọi thứ đều có giới hạn, nhưng tất nhiên là con đã không nghe, mẹ biết con mà. Con muốn đẩy mình tới sát giới hạn ấy (cứ tạm cho rằng có cái gọi là giới hạn), con đã thách thức sự chịu đựng của mình trong những việc mà con luôn thấy tởm lợm nhất, con nhét đầy miệng tất cả những thức ăn thối rữa và bẩn thỉu nhất cho đến khi phải nôn ra mới thôi. Đúng là khi làm được những thứ bị cấm người ta luôn cảm thấy hả hê. Nhưng mẹ ơi, sự hả hê ngu xuẩn đó đã qua từ lâu lắm rồi, giờ có phải là giờ phút của sự trừng phạt muộn màng dành cho con không?
Thật buồn cười, con chỉ mới sống được hơn hai chục năm, vậy mà con luôn thấy mình như cái vỏ ốc mượn hồn đã rỗng toác nằm lăn lóc trên bãi biển. Con vẫn mong có ai đó hiểu được hết nỗi sợ hãi của mình, nhưng thật sự sẽ chẳng có ai làm được điều đó cả, bởi con sẽ luôn chỉ trưng ra cái vẻ ngoài cạn cợt của con mà thôi. Mà lắm lúc con cũng chẳng hiểu chính mình. Bạn con nói rằng con đang cố vứt bỏ những thứ con ghét, nhưng con không làm được, chính vì thế mà con đâm ra giận dữ với bản thân và nổi cáu với cả người khác. Từ khi nào mà con lại trở thành một đứa bất lực và điên rồ như vậy hả mẹ?
Mẹ không biết đâu, con luôn sướng rơn lên mỗi khi nói chuyện điện thoại với mẹ, nhưng con chẳng biết diễn đạt thế nào ngoài việc cứ ngoác miệng ra cười không thành tiếng. Mà mẹ thì đâu có thấy con cười, thành ra những lúc mẹ chuẩn bị cúp máy con đều rất sợ. Một phần trong con chỉ muốn năn nỉ rằng mẹ nói nữa đi, nói nhiều vào, nói gì cũng được, nói gì con cũng đều nghe hết, nhưng làm ơn đừng tắt máy. Con không muốn ngồi một mình. Con sợ phải một mình. 
Con từng nói với mẹ rằng làm một kẻ cô đơn rất tuyệt. Đúng thế. Nhưng con không phải kẻ cô đơn nữa rồi, con đã trở thành đứa chẳng có gì. Những thứ con ghét đều đã thành rác bị con vứt vào sọt, còn chính con có khi cũng đã thành rác của người khác, và hình như cũng bị quăng đi rồi mẹ ạ. Khôi hài thật!
Con viết thư cho mẹ, vì con biết mẹ sẽ chẳng bao giờ đọc được nó đâu. Nhưng quả thực con đang sắp chết ngộp vì sợ hãi và kiệt sức đây.
Mẹ ơi. Giúp con.



_______________