27/4/14

:))









Sáng nay trời có vẻ đẹp, cảm thấy tơn tơn nha...!








26/4/14

...





dissolve in the sky...








23/4/14

...







Mình chẳng xấu xa như mình nghĩ, nhưng cũng chẳng tốt đẹp như người ta nghĩ... Chậc!










14/4/14

Xin đừng chết vào ngày đẹp trời






Sao lại nhớ buổi sáng mùa hè rực rỡ đến thế! 
Gần đây, cứ mở miệng ra là chỉ lải nhải nhớ nhung cái này cái nọ. Chả khác gì bà già sắp chết. Nhưng mà, có những thứ khiến tôi nhớ thật đấy. Mong muốn thời gian vòng lại tí chút để tìm kiếm chúng, mong đến độ cứ tưởng thời gian đã lùi lại thật, mong đến mức chả biết cái gì là thật, cái gì là mơ tưởng nữa. Điên thật rồi! 
Vào một buổi chiều mưa tuần trước, Sói nói với tôi: Li chết rồi. 
A... Li? 
Phương Khải. Đậu hũ non. Còn nhớ nó không? 
A... nhớ...! 
Tôi ôm điện thoại, nuốt khan. 
Phương Khải chết vì sốc thuốc. Sói nói như vậy khi đang đứng ở sân bay Hong Kong. Cái âm thanh rù rì như tiếng tủ lạnh ở sân bay truyền qua điện thoại khiến tôi mơ hồ thấy lời cậu ấy nói có vẻ phi thực lắm. 
Nhoáng một cái, tôi cảm thấy như mình trở về mùa hè năm mười sáu tuổi, khi đang nép sau lưng Sói trong con ngõ cổ kính, lần đầu tiên nhìn thấy Phương Khải. Cậu ta, mắt dài, mũi nhỏ, môi cong cong, trắng non, hệt một đứa con gái, may ra có cái chiều cao ngang tầm với Sói là vớt vát lại chút dáng dấp đàn ông con trai. Cậu ta đứng đó cùng ba người nữa, đội mũ rộng vành màu đỏ đun nổi bần bật, vừa thấy Sói đã nhao lại ôm chầm rồi liên thanh phun ra một tràng tiếng Hoa xì xồ nhốn nháo. "Cái thứ gì thế này?" - ngay buổi đầu nhìn thấy tôi đã nghĩ vậy. 
Mặc dù tôi gần như trốn sát vào lưng Sói, tay giữ khư khư vạt áo len của cậu ấy, nhưng tên đậu hũ non kia rất nhanh đã nắm được vai tôi. Cậu ta tròn mắt nhìn tôi chả chút ý tứ gì, rồi đột nhiên dùng cả hai tay nắn nắn nhéo nhéo hai má tôi một trận ra trò, lại còn phấn khích quay về phía Sói xì xồ không ngừng. Ngay lúc tôi trợn trừng mắt sắp sửa phát điên, Sói liền kéo Phương Khải đẩy đi. Cậu ta híp mắt nhìn tôi rồi chậm rãi phun ra hai từ: "Bánh bao". 
Sói bảo, Li có con em gái má phúng phính giống tôi. Sói bảo, Li cùng bạn ở HK qua đây chơi mấy hôm. Sói bảo, nó nghe hiểu tiếng Việt nên đừng nói xấu nó bằng tiếng Việt, mắng nó bằng tiếng thổ dân gì gì khác thì ok. Còn tôi, sau khi nghe câu đó liền tiến lên đá vào chân Phương Khải một cái rồi lè lưỡi, mạch lạc nói: "Đồ đậu hũ non!" 
Phương Khải. Những người khác đều gọi cậu ta là Li, đó là họ, còn tên cậu ta theo tiếng Việt là Phương Khải, chỉ mình tôi gọi, vì tôi thích cái tên này lắm. Cậu ta nói tiếng Việt rất chuẩn, nhưng chỉ có thể nói chậm chậm thôi, vả lại cậu ta chả biết mặt chữ, thế nên bọn bạn toàn trêu cậu ta là tiểu thiếu gia mù chữ. Phương Khải nghe thế liền tỏ ý không vừa lòng, cậu ta lắc lắc ngón tay nghiêm túc chỉnh lại: "Là đại thiếu gia, không phải tiểu thiếu gia!". Cả đám được một trận cười. 
Phương Khải, cậu ta đích thực là một thiếu gia, còn đại hay tiểu thì tôi chẳng rõ lắm. Cậu ta nói với tôi, thích đi chơi với bạn bè, nhưng chỉ thích tụ tập ở nơi nào nhỏ nhỏ cũ cũ như quán cà phê cóc này chẳng hạn, hoặc là đến những nơi náo nhiệt, điên cuồng, chật chội. Tôi hỏi lý do. Cậu ta bảo, đến mấy chỗ đó cảm thấy an toàn. 
Chớp mắt đã liền bảy năm. Sau lần gặp gỡ năm đó là thôi, trong cuộc sống buồn nhiều hơn vui của tôi không còn dáng dấp Phương Khải nữa, mà trong những cuộc chơi bời quên trời đất của cậu ta cũng chẳng bao giờ có một người là tôi. Đến tận buổi chiều mưa hôm ấy, Sói mới kể cho tôi về cái chết của Phương Khải. Người phát hiện ra cậu ta đầu tiên là bà giúp việc, người biết chuyện cuối cùng là bà mẹ. Nghe thật buồn cười. Dùng ma túy đá cho đến chết. Nghe cũng thật buồn cười. Chỉ có ký ức về Phương Khải mùa hè năm đó trong tôi là chẳng buồn cười chút nào. Cậu ta là đứa trẻ thật cô đơn. Ai trong chúng tôi cũng biết điều đó, chỉ là chẳng ai giúp được cái gì. 
Thật khó mô tả cái cảm giác khi phải nghe về cái chết của một người mà mình vẫn còn nhớ họ đến từng chi tiết. Có thể mơ hồ mường tượng rằng, nó giống như nơi sâu nhất trong lòng tôi bị khoét đi một miếng, rồi gió lạnh cứ từng cơn lùa vào khiến tôi cảm thấy chếnh choáng và nôn nao. Chính là lòng tôi khi ấy đột nhiên rất thê lương, nhưng ngoài kia mùa hè thì cứ đẹp đến chói mắt, khiến tôi điên cả người. 
Vậy là tôi hỏi Sói một câu mà chính tôi cũng không hiểu: "Thời tiết ở đó đẹp không?" 
Qua điện thoại, Sói im lặng mất một nhịp, sau đó trả lời: "Trời dịu, khá mát mẻ, thỉnh thoảng nhiều mây. Có thể nói là đẹp." 
Vậy đấy. Trời đúng là đẹp. Thời tiết vẫn luôn tỏ ra rất đẹp mỗi lần chúng ta cảm thấy mình thật đau, như để nói rằng: "Ồ, chả đáng gì đâu!". Tôi khi ấy liền trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa sổ, mưa vẫn như trút nước, bụi nước trắng xóa trên những ngọn cây, rõ là một cơn mưa đẹp. 
Sao lại chết khi khắp nơi đều đẹp đến thế này cơ chứ? Như thế có đáng đâu! 
Chẳng đáng chút nào, cậu có biết không, Phương Khải?











11/4/14

...


























1/4/14

/'eiprəl/




đã lâu không viết chút gì...

Không còn là tháng Tư năm đó
Nhoáng cái đã là tháng Tư. Trời độ này hay đổ những cơn mưa lớn về chiều tối. Sáng hôm sau, không khí trở nên oi nồng, mây xám nhạt đặc quánh, cây cối trong vườn uể oải như vừa mới ốm dậy. Tôi nhìn mà phát rầu lòng.
Tôi nhớ tháng Tư của những năm trước, trước nữa. Nhớ rõ rệt thứ ánh nắng chói chang nhảy trên vòm cây xanh đến nhức mắt. Nhớ cảm giác bừng bừng hân hoan chảy trong người mỗi khi chạy trên con đường nhựa mát rượi buổi sáng. Nhớ được cả mặt đất tươi nồng mùi cỏ, nắng nóng xuyên qua kẽ ngón tay phủ đầy lên mí mắt.
Tôi đã ngỡ, tháng Tư luôn là một món quà, kể từ khi người đó bất chợt trở về đứng giữa vườn cây xanh mượt mà cười với tôi, mái tóc đỏ rực trong nắng. Vậy là tôi luôn chờ đợi. Chờ đợi, ấy thế mà lại quên mất dòng thời gian cứ cuồn cuộn chảy giữa chúng tôi, và những điều tốt đẹp nhất luôn chỉ có một lần trong đời.
Tháng Tư căn bản không phải lúc nào cũng đến và tươi đẹp như tôi hằng mong mỏi. Năm nay căn bản đâu phải là năm trước hay năm trước nữa. Người cũng thế, sẽ không bao giờ trở về.


Môi nhạt
Độ này, bữa cơm nào mẹ cũng rủ tôi uống rượu. Rượu trái cây thôi, cũng không có gì ghê gớm cả. Một cốc thật to thứ rượu vàng óng như mật ong. Hai mẹ con chia nhau, mẹ một phần, tôi chín phần. Có lúc nhàm chán tôi còn tự đi rót cho mình thêm một cốc nữa, thế là cũng đủ choáng váng để mà ngẩn người nghĩ linh tinh.
Tỉ như hôm qua, tôi uống một lượng kha khá, hơi chếnh choáng ngả đầu trên bàn ăn. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi chợt nhớ CKey ghê gớm. Chẳng hiểu sao tôi không nhớ Sói, nhớ G.lia, nhớ Chun hay nhớ Đậu đi, lại đi nhớ một người ít nên nhớ nhất. Tôi nghĩ đến sống mũi cao nổi bật rất đặc trưng của anh em nhà họ, lại mường tượng ra bờ môi mềm mại và lành lạnh của CKey. Nụ hôn từ bờ môi đó cũng nhàn nhạt và lạnh như vậy, không mùi vị, không toan tính, không gấp gáp, nhưng nó đã từng là niềm an ủi lớn lao của tôi, vỗ về tôi rời khỏi những hoảng loạn sợ hãi đến cùng cực năm đó. 
Tôi luôn biết ơn CKey, một niềm cảm kích đặc biệt thầm lặng. Sói kể, hai anh em cũng ít có thời gian gặp nhau, chỉ thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm này nọ, mỗi lần như thế, CKey vẫn thường hỏi về sức khỏe của bé đấy, tớ không thích nên chỉ nói qua loa là bé khỏe re. Nghe vậy tôi lại cười. Mỗi lần cười tôi lại có cảm giác bờ môi đó trong ký ức của tôi lại nhạt dần đi. Tôi ngờ rằng sẽ có lúc nó chỉ còn là một hình ảnh lấp lóa mà phải may mắn lắm mới hiện lên trong những cơn say của tôi.


Những điều lỡ dở
Sau Tết, tôi từng sắp xếp mấy việc bề bộn rồi chạy ra bưu điện gửi cho em Cantarella một lá thư. Đến giờ vẫn chẳng thấy con bé có động tĩnh gì, tôi đoán lá thư kia chắc cũng đi tong ở đâu đó mất rồi. Bọn ở bưu điện thật sự là một đám ôn thần chuyên làm hỏng việc!
Hôm qua, trong lúc lục lọi kiếm cuốn N.P, tôi phát hiện ra mình có một lô những bức tranh chưa hoàn thành. Nhìn mấy mặt giấy đầy những nét chì qua quýt, tôi liền khóc dở mếu dở, cảm thấy mình đích xác là thể loại đánh chết cũng vẫn cứ lười thôi.
Tôi định...
thôi, chẳng viết nữa, vì đây chắc là điều lỡ dở cuối cùng...


Vậy nhé.