Hẳn nên dành bài hát này cho một cô nàng hay ghé qua đây...(*´▽`*)
30/3/18
26/3/18
5 for today
1. Tôi phát hiện ra có kha khá người nghĩ tôi còn ít tuổi, ít nhất cũng không tưởng tượng được đến độ tuổi hiện tại. Chắc do trình độ tôi còn non hoặc do tôi hay nói nhảm và tưởng tượng ra mấy câu chuyện ngờ nghệch :)) Có bận mẹ tôi đã bảo dạng như tôi mà bị bán lên núi chắc vẫn ngây ngô không biết gì, thậm chí còn hớn hở đi trồng khoai nuôi lợn với người ta. Bà khiến tôi nhớ đến một câu trong cuốn Sống như Tiểu Cường: "Anh em miền núi tiêu chuẩn tuy không cao, nhưng không có nghĩa là không có tiêu chuẩn gì". Thật bất ngờ là mẹ vẫn tin có người chịu mua tôi. Tôi rất cảm động vì bà đã đánh giá cao tôi đến vậy.
Nhìn chung, nếu người lớn nghĩa là "không phải tôi", vậy thì tôi chịu, chẳng biết người lớn họ hay nghĩ gì (nhưng vẫn hy vọng không phải mấy chuyện cạnh tranh - đấu đá - sinh tồn tẻ nhạt)
2. Vừa mua được chiếc áo vải lanh in hoa lá miền nhiệt đới, cảm thấy dường như mình đã nhúng một chân xuống dòng suối mát mùa hè ~
3. Chẳng thấy Rick and Morty ra thêm tập nào nữa. Tại sao vậy? Nhớ giọng chửi thề lè nhè của ngoại Rick quá.
4. Trước đây, vào giai đoạn đầu khi đọc cuốn Thư tình gửi một người, tôi phát oải lên vì Trịnh Công Sơn cứ than vãn suốt cả ngày. Ông ấy, với tâm trạng của một thanh niên nhạy cảm, than thở trong mọi bức thư gửi bà Dao Ánh, khiến tôi đọc cũng thấy mệt. Nhưng đến lúc mối tình tan vỡ, Trịnh Công Sơn không nói gì nữa, ông im lặng suốt mấy năm liền, và khi biết bà Dao Ánh lập gia đình, sự im lặng đó kéo dài thêm hơn 10 năm.
Tôi cứ nhìn mãi khoảng cách ngày tháng ghi trên những bức thư, cảm thấy thấm thía sự khắc nghiệt và cái rộng lớn vô chừng của thời gian. Bên này trang giấy còn là lời yêu thương nuối tiếc, bên kia trang giấy đã là hai con người xa lạ của mười mấy năm sau. Chính sự im lặng tuyệt đối ấy đã gợi lên trong tôi lòng tôn trọng, xóa đi nỗi ngán ngẩm trước đó.
Thế giới quả có hơi ồn ào. Yêu cũng nói, không yêu cũng nói, thậm chí còn nói đủ điều. Vài người chỉ chịu im lặng khi muốn dùng sự im lặng để dằn vặt đối phương. Vài người khác chỉ chịu im lặng (được một lúc) sau khi đã đăng tuyên bố "tôi sẽ im lặng" cho mọi người biết. Thế giới này có được mấy ai hi sinh trăm ngàn lời muốn nói để đổi lấy sự im lặng và thời gian làm phương thuốc xoa dịu những tổn thương của người mình yêu thiết tha...?
5. Nói nhiều mệt thiệt. _( ∠ 、ン、)_ Tôi im lặng đây. Mai mốt rảnh tôi nói tiếp :))
21/3/18
5 for today
1. Một tí phù phiếm:
Tôi ước chân mình dài hẳn 10 mét, nhé, để mỗi khi chọn mua váy chị đây có thể tự tin bất chấp mọi độ dài!
2. Bây giờ là 5 giờ 59 phút chiều. Trời đổ mưa tầm tã. Mưa trái mùa. Tôi thích ngồi nơi đầu giường, chống cằm nhìn nước trút ào ào từ những tán lá sấu xanh mướt xuống thảm lá khô bên dưới. Mưa khiến tôi nhớ về con đường nhựa loang loáng nước lượn vòng quanh khu đại học quốc gia tôi từng ở năm xưa. Có lần anh Đôn và chị Yến mượn cây dù cầu vồng của tôi ra khu nhà điều hành, lúc về cả hai đều ướt sũng bởi cơn mưa nặng hạt. Lần khác nàng Bịnh đội mưa đi đâu đến gần tối mới về, nó lục ra một hộp kim chi, hai đứa tôi nấu hẳn nồi mì to rồi ăn ngon quên trời đất. Và không biết bao nhiêu lần chúng tôi lội mưa lõm bõm chỉ để đi hát vài bài hát cũ rích ở quán karaoke có tên tiếp tân người quắt queo như con cá cơm khô. Tôi đã sống trong một bộ phim Hongkong đầu những năm 90. Và tôi đã không biết mình lại nhớ đoạn đời đó nhiều như vậy.
3. Nàng Bịnh giờ đã là mẹ trẻ con. Hôm nọ nó bảo nó mơ thấy hai đứa bọn tôi ngồi ở phòng trà nghe Hà Anh Tuấn hát. Tôi tiu nghỉu buồn vì cảm thấy giờ đây chúng tôi chỉ còn gặp được nhau trong mơ. Thiệt là một tình cảnh u sầu lãng mạn~
4. Bên Viettel yêu cầu tôi ra chi nhánh gần nhất để bổ sung thông tin chứng minh sim chính chủ. Số điện thoại này là hồi xưa người nhà tôi đăng ký cho chứ tôi cũng chả biết gì hơn. Thế là tôi ra.
- Em điền cho chị tối thiểu 5 số điện thoại em liên lạc gần đây nhé.Tôi cúi đầu mở điện thoại.- Này chị, em ghi 4 số được không?- Cứ 5 số đi em ạ.Tôi lại cúi đầu nhìn điện thoại. Trong mục các số gọi đi chỉ có 4 số điện thoại, mỗi cuộc gọi cách nhau chừng đâu 2 tháng...- Máy em chỉ có 4 số thôi chị ạ...
Chị nhân viên nhìn tôi chòng chọc mất mấy giây như nhìn tượng David đặt giữa sảnh lớn của cung thiếu nhi. Tôi nhún vai. Cuối cùng chị ta thở hắt ra đồng ý.
5. “Trước khi bắt đầu hành trình trả thù, hãy đào hai cái huyệt.”
(Lưu ý: Số liệu chỉ mang tính chất minh họa. Số huyệt dựa trên số đối tượng cần trả thù =]] )
18/3/18
5 for today
1. Gần đây trời khá nóng, mẹ và tôi chuyển sang ăn kem.
Mùa nắng là mùa của quần cộc, váy hoa và áo phông ngắn cũn. Là lúc ta dành những buổi trưa thư thái để nằm dài trên sàn nhà, vừa ăn kem vừa nhẩn nha đọc lại N.P và Nắp Biển.
Mấy hộp kem dừa, kem chocolate và kem đậu xanh to ụ làm tôi nhớ da diết món si-rô đá bào thuở bé, nhớ cả bác bán quà vặt trước cổng trường đang khom lưng bào đá soàn soạt bằng chiếc bào gỗ giản đơn. Chuyện cũ lúc nào cũng vậy, tưởng vô thanh mà vẫn nghe như ở đâu đây.
2. Hồi tôi tầm 18 tuổi, có lần ngồi ăn tối cùng ông Cường, vừa ăn vừa xem phim Huyền thoại Lý Tiểu Long. Ông cụ chỉ vào cô nàng người Philippine cứ suốt ngày theo đuổi Lý Tiểu Long và bảo tôi: "Này cháu gái, sau này có thích cậu nào cũng phải theo đuổi như thế, cứ mạnh dạn lên, không phải e ngại gì hết. Nhớ nhé!". Lúc đấy tôi đang mải gặm đùi gà, dù chẳng biết làm như ông dặn có tác dụng gì không, nhưng tôi vẫn khí thế gật đầu.
Tôi đã chẳng bao giờ thích ai nhiều đến mức phải vận hết dũng cảm mà theo đuổi như lời dặn của ông cụ. Tôi, hoặc là hành xử như đồ đểu giả lịch thiệp, mỉm cười với bất kỳ ai dễ thương với mình rồi quên béng họ vào sáng hôm sau; hoặc là sợ hãi chính lòng yêu thương cuồng nhiệt của mình đến mức hở ra là chạy trốn.
Rốt cuộc tôi đã làm cái gì với đời mình vậy? Năm đó tôi đã gật đầu rất khí thế cơ mà...
3. Thôi không phải diễn, mỗi người chúng ta, ai chả có quyền lựa chọn, đồng thời cũng là một trong nhiều lựa chọn của kẻ khác. Sao có lắm người lại tự ái về điều đó thế nhỉ?
4. Mùa này có rất nhiều chim từ phương bắc ùa đến khu vườn nhỏ. Hễ được lúc nào rảnh rỗi, Vũ lại ghé qua. Cậu chàng nằm dài trên giường, vừa ngước mắt ngắm mấy tán cây xanh, vừa khẽ huýt sáo theo những tiếng chim trong veo ngoài cửa sổ. Đôi khi Vũ sống như một thanh niên thuộc thế hệ Beat. Phóng túng và thơ ngây. Cuồng nhiệt và đầy buồn bã. Đôi khi trông cậu chàng thật cô đơn và đáng thương. Nhưng ngẫm lại, dường như tuổi trẻ của ai cũng thế, đều là những đoạn đường buồn và rực rỡ như hoang đảo mùa hè.
5. I want to move. Out of the black. Into the blue...
15/3/18
5 for today
1. Cô Kira hỏi tôi có ổn không. Tôi định trả lời là tôi ổn. Nhưng tôi cảm thấy ở đâu đó trong thâm tâm mình có một tôi khác đang gào lên: "Không, tôi không ổn, không ổn chút nào hết!!!"Cô Kira: Thế không ổn chỗ nào?
Sonata nào đó: Không biếttt!!!
Cô Kira: Đồ dở hơi..ơii...ơiii!!!Và nàng cứ thế bước qua đời tôi như một cơn gió nam thoảng ngang khu vườn~
2. Tôi tiếp tục viết blog. Tôi muốn viết cho đến khi không còn ai dõi theo nữa. "Im lặng" là một cách hay để xua đuổi người khác. "Lải nhải nói" cũng thế. Tôi muốn mỉa mai ghi chép lại đời mình cho đến lúc tắt thở (với nụ cười mỉa mai trên môi).
3. Từ giờ tôi sẽ lại để tóc dài đặng mai này đi uốn và nhuộm màu nâu đậm, vì tôi đang muốn có một mái tóc xoăn hoang dã dài chấm vai. Hy vọng cuối năm nay có thể đến Chiang Mai cùng với em Juan trong bộ dạng của một cô nàng di-gan mắt hí.
4. Tôi không biết viết gì ở quãng này. Chỉ muốn mô tả đơn giản là chiếc máy tính cà khổ của tôi đang du dương một khúc hòa tấu dành cho sáo của Vivaldi.
5. Bọn tôi là quá khứ của nhau. Bọn tôi cứ bước về phía tương lai không có nhau. Từ khi không còn P trên đời, hai đứa bọn tôi đã biến thành những quả sấu ngâm dần nhăn nhúm trong hũ nước quá khứ ngọt như đường. Ký ức là linh hồn đeo đẳng bọn tôi như bóng ma của Catherine mãi mãi ám ảnh Heathcliff. Tôi vẫn luôn xót thương hai đứa bọn tôi, thật đáng thương cho những kẻ bị đánh vỡ đến không thể nào lành lại được nữa...
6/3/18
Tại sao thế hệ chúng ta không hạnh phúc?
Câu hỏi: Tại sao thế hệ chúng ta không hạnh phúc?
Trả lời bởi: Deepak Mehta, 26 năm trên hành tinh này, hy vọng có vài bài học để chia sẻ.
Hậu quả ngoài ý muốn của việc lớn lên trong giai đoạn có những tiến bộ kỹ thuật to lớn là thế hệ millennial (người sinh giữa những năm 80 đến giữa những năm 90) quá thiếu kiên nhẫn.
Tyler Durden (Fight Club, 1999) hai thập kỉ trước đã nói:
"Chúng ta là đứa con giữa của lịch sử. Không có mục đích hay nơi chốn. Chúng ta không có Cuộc chiến vĩ đại. Không có Đại khủng hoảng. Cuộc chiến vĩ đại của chúng ta là một cuộc chiến trong tâm hồn... Cuộc Đại Khủng Hoảng của chúng ta là chính cuộc sống của chúng ta"
Thế hệ hiện tại thật sự là "đứa con giữa". Được sinh ra trong quá trình chuyển đổi.
Khi tôi chào đời, sở hữu một đài phát thanh trong một ngôi làng nông thôn Ấn Độ là một sự xa xỉ. Sau đó tivi xuất hiện. Mỗi ngôi làng đều có một nhà có đủ khả năng sở hữu một cái. Và nơi đó sẽ trở thành nơi tập trung hàng ngày của một gia đình nhà quê nhiều thế hệ. Những đứa trẻ con, với đôi mắt dán mắt vào màn hình ma thuật, các bà nội trợ phải nghỉ một vài giờ đồng hồ "xứng đáng", các ông, quan tâm đến các vấn đề chính trị và thể thao hơn là xem truyền hình, và những người lớn tuổi với những cái điều thuốc cày, tụ tập với nhau, xem Mahabharata (một bộ thiên sử thi truyền hình nhiều tập của Ấn Độ).
Khi tôi 5 tuổi, nhà tôi dọn đồ và chuyển tới một thành phố mới, xa hơn cả ngàn cây số, vùng đất nơi mà mọi người nói thứ ngôn ngữ "lạ" gọi là Marathi. Tôi cảm thấy sợ nơi chúng tôi sắp đến, nhưng sự hoảng sợ nhanh chóng biến thành bồn chồn khi bố nói với tôi rằng ông ấy sẽ mua một bộ tivi khi chúng tôi định chỗ ở, và trong một thành phố lớn như Pune, không chỉ là một, mà còn gần một chục kênh. Cuộc sống chưa bao giờ tốt hơn thế!
Một thập kỉ rưỡi nhanh chóng trôi qua, và những "máy tính cầm tay" xuất hiện trên thị trường. Điện thoại thông minh nhỏ nhắn mạnh mẽ như máy tính – tích hợp máy ảnh, máy nghe nhạc, trình phát video và trình duyệt. Mọi thứ đều có thể truy cập chỉ bằng một nút bấm, bao gồm cả việc lén lút nhìn vào cuộc sống của những người bạn ảo của bạn thông qua một cái gì đó được gọi là "mạng xã hội". Lúc đầu, nó thật tuyệt vời. Bạn có thể giữ liên lạc với bạn bè mà không phải trả phí điện thoại quá đắt. Bạn có thể kết bạn với những người sẽ không bao giờ gặp trong cuộc sống thực.
Chỉ vài năm sau đó, các mạng xã hội mọc ra nhanh hơn đám thỏ nuốt Viagra. Liền sau đó là những trang web phục vụ sở thích âm nhạc của bạn, chia sẻ hình ảnh, tạo mạng lưới công việc, để bạn vô tư thả đống sh!t của mình trên internet để truyền lại cho hậu thế. Và ở mọi nơi, bạn có thể thấy người ta được thăng tiến, họ tận hưởng kỳ nghỉ sang trọng trên một hòn đảo tuyệt đẹp, họ mua những chiếc xe sang trọng, họ ăn ở những nhà hàng đắt tiền.
Và đó là khi những bất an và ghen tị ngủ quên bắt đầu nổi lên.
Trở lại một chút, cái thời tôi lần đầu tiên phát hiện ra niềm vui của việc có thể tự chọn kênh để xem. Đó là quãng thời gian khá khó khăn của bố mẹ tôi. Bố tôi thu nhập 5.000 rupi mỗi tháng. Và ông có một đứa nhóc và một đứa trẻ mới biết đi cần chăm sóc. Và may mắn muốn thử thách lòng can đảm của ông, ông mắc bệnh Lao, mà vào năm 1995, là một căn bệnh chết người. Lúc đó, bố tôi dậy vào 4 giờ sáng mỗi ngày để tập huấn quân đội, trở về nhà ăn sáng thật nhanh, trở lại làm nhiệm vụ lúc 9 giờ, sau đó đến bệnh viện điều trị, rồi về nhà với một đứa trẻ 5 tuổi ngu ngơ và một đứa trẻ 1 tuổi khóc rống. Một tháng ổn thỏa là tháng mà đến ngày 20 vẫn còn tiền.
18 năm sau, tôi đến Mumbai làm công việc đầu tiên. Sau vài tháng, bố tôi bảo tôi để dành một phần để trả tiền học phí đại học của em gái tôi. Tôi nhớ tôi đã đồng ý, nhưng cảm thấy tức giận bên trong. "Cả đời tôi đã dành để học và làm việc điên cuồng để có một công việc tốt. Chẳng phải bây giờ là thời gian hưởng thụ sao mà tôi còn vướng phải điều này? ". Tôi đã tức giận bởi vì tôi lên kế hoạch đi du lịch nước ngoài, nhưng học phí của em gái sẽ làm cho tôi chậm hẳn một năm tiết kiệm trong kế hoạch. Rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi đã đi đến đó. Rốt cuộc, khoản tiền lương rủng rỉnh đầu tiên luôn có một cám dỗ nhất định.
Tôi rời khỏi nhà vào khoảng 10 giờ vào ban đêm và tìm chỗ ngồi tại quán rượu gần nhất. Sau vài giờ uống rượu một mình để "dìm chết nỗi đau", tôi giật mình nhận ra. Sự ích kỷ to lớn của tôi. Sự ác độc khốn nạn của tôi.
Đó là người đàn ông đã dồn hết cả quãng đời trưởng thành của mình cho tôi. Ông đã hi sinh thân thể mình, ước mơ của mình và ba thập niên của đời mình. Ông đảm bảo rằng tôi đã nhận được nền giáo dục tốt nhất, dù thật đắt tiền. Tôi chợt nhớ lại một khoảnh khắc trong năm cuối khi tôi học kĩ sư và đột ngột hỏi xin ông 20 nghìn rupi để đi ăn cùng bạn bè khi đăng kí thành công một suất MBA. Ông ấy đã đồng ý một cách vui vẻ (hoặc ít nhất tôi đã cảm thấy ông như thế, tôi đã quá hào hứng vào thời điểm đó). Lúc này, giữa đêm khuya, ngồi trong một quán rượu tối, với phân nửa giác quan đã mờ đi, tôi nhận ra rằng có một khoảng lặng nhỏ trước khi ông nói: "Được thôi. Bố sẽ chuyển vào ngày mai. Hãy vui vẻ đi, con đã giành được nó!"
Tôi chưa bao giờ cảm thấy ghê tởm bản thân đến vậy. Tôi trả tiền và trở về nhà. Tôi châm một vài điếu thuốc và cố kiểm soát bản thân không trào nước mắt. Ở đây, một ngày làm việc của tôi hơn tiền lương của bố một tháng. Và tôi đã rên rỉ về trách nhiệm, dưới ảnh hưởng của những nhận thức sai lầm về thứ quyền lợi mà tôi chưa bao giờ thật sự có được. Cho đến bây giờ, mỗi khi tôi cảm thấy mình không thể kiểm soát được tình hình, tâm trí tôi sẽ trở lại cái đêm điên rồ và đầy biến cố này.
Bằng trải nghiệm cá nhân, tôi nhận ra rằng lý do đằng sau sự thống khổ mà thế hệ thời nay cảm thấy, rằng thật ra chúng ta đã không thực sự trải qua nó.
Nỗi buồn của chúng ta không phải là tuyệt đối. Những rào cản của chúng ta không có thực mà chỉ đơn giản là sự bấp bênh đôi chút mà thôi. Hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào người khác. Chúng ta không vui vì những người khác đang làm tốt hơn mình rất nhiều. Công nghệ, là một thuận lợi cũng là một lời nguyền. Nó mang chúng ta đến gần nhau hơn, nhưng cũng làm tăng phạm vi so sánh của bản thân. Trước đó, mỗi thị trấn/ thành phố đều có một gia-đình-siêu-giàu-có-nọ. Bạn nhìn quanh và thấy rằng họ là một ngoại lệ. Nhưng bây giờ, cùng một cộng đồng đó đã trở nên toàn cầu hóa, và truyền thông thì không ngừng hủy hoại sự hài lòng của chúng ta bằng cách liên tục tập trung vào 1% đặc biệt đó mà chúng ta không phải là một phần của nó. Dường như "tất cả mọi người" đều thành công trong khi thực tế lại khác biệt hoàn toàn.
Từ khoảnh khắc bạn quyết định ngăn mình trước dòng thác lũ của các tin tức như vậy, ngay lập tức bạn bắt đầu so sánh cuộc sống hiện tại với quá khứ của mình, giây phút bạn dừng lại để đánh giá trái ngọt mà bạn đang gặt hái được từ những nỗ lực mà bạn đã bỏ ra và vai trò của rất nhiều người khác (đặc biệt là gia đình bạn) đã góp phần vào nó, và bạn sẽ thấy hài lòng thực sự.
(Từ facebook của Quora Việt Nam)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)