11/9/19

5 for today



1. Một chiều nắng đẹp nên nghe gì?




2. Ngay gần Trung Thu thì bỗng nhiên trời chuyển nắng ráo. Đêm qua trăng sáng vằng vặc. Thế là mai cô Đốm của chúng ta rước đèn ông sao được rồi ~

3. Mấy bữa rảnh rang liền lôi cuốn Truyện cổ Triều Tiên ra đọc chơi. Tuy truyện cổ dân gian có vẻ ngây ngô trong cách hành văn, nhưng ngẫm kỹ thấy rất thâm thúy, lại còn lắm chi tiết buồn cười :)) Kiểu như trong một mẩu truyện, có tên kia bị giặc đuổi, đến gần sông thấy người chèo đò, liền cầm một bọc vàng đưa ra nhờ ông ta chở qua sông. Tôi đang tự nghĩ, qua sông việc gì phải bỏ ra lắm tiền thế cho phí hoài, thì ngay sau đó, truyện mô tả người lái đò cầm vàng và chèo thuyền qua sông nhanh như tên bắn! Ra vậy, đúng là tiền nào của nấy mà, thời cổ cũng không khác thời nay là bao :))

4. Thiệt tình, giờ tôi bớt cái tính dễ mủi lòng với mấy chuyện than vãn và kể khổ rồi. Đời chính là bể khổ, tôi với mấy người đều ngập ngụa trong một bể, ai cũng như nhau cả thôi. Mấy người là ai mà có quyền than thở và đòi hỏi người khác phải đáp ứng chứ? Khởi động chế độ tự trọngtự lực cánh sinh dùm đi được không... aigoo...

5. Một trích đoạn Liễu Ngộ Xuân truyện mà tôi rất tâm đắc trong cuốn Tuyển tập văn học cổ điển Hàn Quốc
- Cây đàn này thế nào? Trước đây tôi có ý định học chơi đàn nhị nên đã có lần thử bắt chước tiếng chim kêu, tiếng côn trùng rúc lá. Thế nhưng, người khác nghe xong lại bảo rằng đó là tiếng đàn nhị của kẻ ăn mày, khiến tôi vô cùng xấu hổ. Làm thế nào để không bị đánh giá là tiếng đàn nhị của kẻ ăn mày đây? 
U Chun vỗ tay cười ha hả mà rằng: 
- Ông thật chẳng biết gì về nhân tình thế thái cả! Ruồi muỗi phát ra tiếng kêu vo ve, những người thợ làm việc tạo ra tiếng kêu chát chát bùm bùm, giọng nho sĩ đọc sách nghe sang sảng. Tất cả mọi thứ tiếng trong thiên hạ đều vì mục đích kiếm cái ăn cả. Thế nên, tiếng đàn nhị của tôi và của những kẻ ăn mày có gì khác nhau? Tôi học chơi đàn nhị là vì người mẹ già kính yêu của tôi. Nếu tôi không có cái tài vi diệu thì làm sao có thể phụng dưỡng được lão thân của tôi? Mặc dù thế, tài đàn của tôi vẫn không thể đạt tới cái tài đàn vừa vi diệu lại vừa như chẳng có gì đáng kể của kẻ ăn mày. 
Trước tiên, nếu bàn về chất liệu thì đàn nhị của tôi và của những kẻ ăn mày đều giống nhau cả. Cung vĩ của đàn nhị được căng bằng lông đuôi ngựa, lông đuôi ngựa lại được bôi nhựa thông tạo ra những âm thanh réo rắt. Đàn nhị không phải nhạc cụ thuộc bộ dây, cũng không phải nhạc cụ thuộc bộ hơi, nhưng nó lại phát ra những âm thanh vừa giống như âm thanh của nhạc cụ thuộc bộ dây chơi bằng tay, lại vừa giống như âm thanh của nhạc cụ thuộc bộ hơi thổi bằng miệng. 
Tôi học chơi đàn nhị ba năm thì thành tài. Trong ba năm ấy, năm ngón tay của tôi đều đã chai cứng cả. Thế nhưng, mặc dù tài nghệ ngày một cao, cuộc sống lại chẳng có gì khá giả hơn. Bởi vì càng ngày người ta càng không thể hiểu được tiếng đàn của tôi. 
Còn những kẻ ăn mày kia dù không biết chơi đàn nhị nhưng chỉ sau mấy tháng tập tành đã thu hút được rất nhiều người nghe. Sau khi kết thúc bản nhạc và trở về, có hàng mấy chục người theo sau họ. Chỉ cần làm thế, ngày nào người ăn mày cũng kiếm được nào tiền nào gạo, có khi một ngày kiếm được cả bao gạo. Lý do chẳng có gì khác mà chính là vì có nhiều người hiểu được tiếng đàn của họ. 
Bây giờ nếu nói đến "đàn nhị của Yu U Chun" thì tất cả người trong nước đều biết. Thế nhưng họ chỉ biết đến cái danh của tôi như vậy thôi, chứ có mấy người nghe mà hiểu được tiếng đàn của tôi? 
[...] 
U Chun từng bảo rằng: "Tài nghệ càng cao thì mọi người càng không thể hiểu được". Lời nói này đâu chỉ giới hạn ở riêng lĩnh vực đàn nhị của U Chun mà thôi.