Tôi lẩm nhẩm đọc:
Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một chiếc bút chì
Và mang một mẩu bánh mì con con.
Đó là một quyển sách cũ kỹ nằm vùi trên gác xép bụi bặm và ẩm mốc. Một góc của trang giấy ố vàng có in hình minh họa một chú mèo con, tay cầm bút chì, rảo chân đi bộ trên con đường mòn, hai bên đường mọc linh tinh những hoa với cỏ. Khoảng trống dưới cùng trang giấy có những hình người nguệch ngoạc, vai rộng và vuông, chân tay bé tí, nét mặt trông ngơ ngác chìm nghỉm giữa mái tóc xù như tổ quạ. Có rất nhiều hình người, hoàn toàn không biết được là nam hay nữ. Tất cả đều được vẽ bằng loại bút ngòi to thô kệch, nhưng sống động.
Rồi đột nhiên căn gác nhỏ cũ kỹ bỗng giãn ra, mở đến một hành lang dài hun hút, mát lạnh. Có những phòng học nối tiếp nhau, bàn ghế tối sẫm, nền nhà tối sẫm, ba cây phượng khổng lồ phía trước đã cách ly hoàn toàn dãy nhà với cái nắng gay gắt của buổi chiều ngoài kia. Tôi nghe tiếng đọc bài đều đều, râm ran phát ra từ một lớp học nào đó, chưa kịp giật mình thì âm thanh ấy đã mất hút vào khoảng không yên tĩnh. Qua ô cửa kính nhem nhuốc, tôi thấy một con bé có gương mặt bầu bĩnh, nằm gọn lỏn giữa mái tóc cắt oval, đang chăm chú cắt giấy màu thành nhiều mảnh khác nhau. Nó tỉ mỉ ghép từng mảnh giấy sao cho ra hình dạng cái liễn y như trong sách. Con bé vừa ngẩng đầu lên thì gương mặt nó bắt đầu trở nên nhòe nhoẹt, hình ảnh giật giật như trên một đoạn phim cũ rồi chập chờn tách ra làm hai. Bỗng chốc lớp học có hai cô giáo đi đi lại lại, hai quyển sách Kỹ thuật trên bàn, hai cái liễn màu xanh méo mó. Và con bé, tưởng như mình cũng bị chẻ ra làm đôi, hoảng sợ ngồi lặng đi. Chẳng biết có khóc hay không.
Năm đó, bác sĩ nói tôi bị viêm giác mạc. Khi ra khỏi phòng khám, trên tay tôi vẫn còn cầm khư khư bịch nước mía ọc ạch toàn đá. Nắng như vỡ tan trên đầu.
Tôi lại tiếp tục lẩm nhẩm,
Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì...
Hôm nay trời nắng chang chang...