23/7/18

Một đám tang



Bà cụ hàng xóm vừa qua đời. Thọ 104 tuổi. Đến tận cuối đời vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn lạ thường, và chỉ chịu đầu hàng số phận sau một cú trượt chân ở cửa bếp. 
Thấy cờ phướn được treo lên, mẹ tôi rơm rớm nước mắt vì nghĩ đến những lần bà cụ len lén cầm ít tiền tiết kiệm còm cõi sang nhà tôi, nhờ mẹ tôi giữ cho, không thì con dâu bà lại trộm mất. 
Bà cụ là người không biết chữ, nhưng xưa nay vẫn luôn dùng sự nho nhã kính cẩn nhất gọi bố mẹ tôi là thầy, là cô. 
Bà cụ cũng là người hễ trông thấy tôi liền ân cần nắm tay vuốt ve, xoa xoa cánh tay mảnh dẻ của tôi ra chiều xót xa lắm. 
Chính vì vậy, một kẻ nhà cháy cũng chưa chắc bước chân ra khỏi cửa như tôi đã quyết định đến tiễn biệt bà cụ hiền lành nhân hậu ấy - người nhìn thấy tôi lớn lên còn nhiều hơn cả bà nội và bà ngoại. 
Mưa tầm tã. Tôi ngồi nơi bàn cố che chắn cho ly trà khỏi bụi nước bắn tung tóe khắp nơi. Mẹ tôi cắn hạt dưa tanh tách. Con dâu bà cụ chả buồn đeo lấy cái khăn tang, ra sức mô tả cho mẹ tôi về độ đẹp và đắt đỏ của phần đất ở nghĩa trang. Ông bác chủ nhà thì cười hê hê, tìm đủ cách gán ghép tôi với con trai bác ta. 
Tôi bỗng thấy mình trang nghiêm và lịch thiệp hơn nửa tá con cháu béo múp míp đang ngồi đánh bài ở bàn kế bên. 
Tôi bỗng muốn châm lấy điếu thuốc để nhả khói vào thứ cảm giác mà tôi nghĩ là nỗi buồn. 
Những điều tốt đẹp đã ít, lại còn thường xuyên mất đi. Bà cụ nhỏ bé nằm trong quan tài chính là sự tồn tại tốt đẹp nhất ở con ngõ này. Tôi cảm thấy ghen tị với bà cụ. Cứ hễ phải dự đám tang là tôi lại dấy lên lòng ghen tị với người đã khuất. Lần nào chả vậy. Tôi ghen tị với những người tìm thấy được bình yên trước mình.