Nếu không kể đến hậu quả, thì khả năng tin tưởng người khác một cách trọn vẹn
là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của con người - The Wind-up Bird Chronicle
Trong một cuộc hội thoại ngắn ngủi (như trước giờ vẫn thế) giữa tôi và bố, tôi nhớ lúc đó ông đang cố sức nhắc nhở tôi phải luôn tin tưởng những người khác, đặc biệt là bạn bè, vì "không ai có thể sống mà không có bạn bè mình". Ông đã nói như vậy. Và trong lúc gay gắt, ông đã gần như ném thẳng vào tôi câu này:
"Đừng có nghĩ ai cũng xấu xa, đừng có đem mình ra mà gán cho người khác!".
Đó là vào một buổi tối mùa mưa, mặt sân xi-măng xám lạnh buồn tẻ, và tôi thì đứng nhìn chằm chằm vào nó như thể đấy là lần cuối tôi được nhìn một cái sân ướt nhẹp nước mưa.
Sau lần đó, tôi hầu như không nói gì về quan điểm của mình với bố, và cũng không bao giờ hé nửa lời bình luận về các mối quan hệ của ông nữa. Tôi, khi ấy chỉ mới mười mấy tuổi đầu, cũng không có đủ lý lẽ mà lý giải được tại sao tôi lại hay nghi ngờ người khác đến vậy. Nhưng đến hôm nay thì tôi nghiệm ra, tôi đã lớn lên trong một môi trường toàn những kẻ trí thức giảo hoạt, tôi luôn chứng kiến và tiếp xúc với những người có khả năng đâm người khác bằng lời nói, ở một nơi như vậy thì thật khó lòng tôi có thể ngây ngô tròn mắt mà tin tưởng được ai. Bố tôi thì không vậy, ông chưa bao giờ nghi ngờ một ai, ông tin mọi người trừ vợ con mình. Thật buồn khi phải khẳng định điều đó, nhưng những bài học mà ông nhận được vô hình chung đã biến thành một lớp bảo vệ để tôi giữ lấy bản thân mình.
Tôi không dám chắc giữa tôi và bố ai đúng, ai sai. Thậm chí cũng không dám chắc rằng có cái gọi là đúng hay sai ở đây không nữa, nhưng giờ đây tôi một lần nữa lại phải chứng kiến bố tôi một thân một mình giữa đám bạn bè hai mặt. Còn tôi, đã qua cái tuổi mười mấy từ lâu, vẫn hoàn toàn không giúp được gì.