Hồi ba tuổi, tôi chỉ là một con bé cực kỳ nhút nhát, thích nhất là được thu mình vào một góc và lật sách để ngắm những bức tranh đầy màu sắc mà mình không hiểu gì lắm. Đến năm năm tuổi thì tôi đã được đưa đi học lớp 1. Thành ra tôi chỉ có duy nhất một năm học ở trường mẫu giáo, lớp bốn tuổi. Đó là lúc tôi biết chắc rằng, mình rất ghét đến trường, vô cùng ghét.
Ở lớp mẫu giáo năm ấy, tôi hết sức trầm lặng. Điều này không có nghĩa là tôi ngốc nghếch không theo kịp các bạn, trái lại, tôi hiểu hết mọi điều cô giáo nói, nhưng tôi lại rất ghét phải chơi cùng lũ trẻ. Tất cả những gì tôi muốn là được ôm một cuốn sách tranh và chìm vào trong nó mà không phải tương tác với bất kỳ ai. Chính vì vậy, cô giáo không quan tâm đến tôi cho lắm, những đứa trẻ khác cũng thế. Tuy nhiên, có hai đứa bé gái thường xuyên bí mật bắt nạt tôi. Tức là lúc không có ai để ý, chúng sẽ cấu thật mạnh vào cổ tay tôi, đôi khi sẽ siết cho đến khi cổ tay tôi đỏ tấy lên, hoặc cào những đường thật dài ở những chỗ mà chúng biết không ai nhìn thấy được dưới ống tay áo. Tôi lúc đó nhỏ xíu nên không chống trả được hai đứa bé mập mạp to con như vậy, mà tôi cũng chẳng buồn cầu cứu ai, thật khó lý giải, nhưng hồi ấy tôi chỉ biết rằng mình không được khóc khi bị hai đứa nó bắt nạt. Cứ như vậy, chẳng ai biết đến những vết rách ngang dọc ở hai cánh tay của tôi, vì năm bốn tuổi tôi đã biết tự làm vệ sinh cá nhân rồi. Mãi đến khi người mẹ bận rộn tội nghiệp của tôi phát hiện ra chuyện này thì tôi cũng đã thôi không đến trường mẫu giáo nữa. Khi mẹ hỏi tôi: "Không biết sợ cũng không biết đau hả con?", tôi chỉ im lặng lắc đầu.
Kỳ thực tôi đau chứ, và chỉ cần nghĩ đến việc mỗi sáng lại phải đến lớp là ngực tôi đã nặng trĩu rồi. Nhưng so với nỗi sợ bị cào cấu bắt nạt đó, tôi còn lo hơn nếu để mẹ biết chuyện và khiến mẹ phải lo lắng thay cho mình. Mẹ tôi năm ấy đã phải rất vất vả để nuôi gia đình, đến cả một đứa bé như tôi cũng có thể cảm nhận được những mệt mỏi của bà, nên cứ mỗi lần bị cào đau, tôi lại hít một hơi thật sâu và tự nhủ: "Không sao hết. Không được khóc."
Sau này, khi đã trưởng thành, tôi cũng cứ dùng cái tâm thế đó để mà sống, như một thói quen khó bỏ. Ngay cả khi sự ra đi của ông ngoại và một người bạn khiến tôi quỵ ngã, hay khi những người tôi quý mến vì mệt mỏi với tôi mà bỏ đi, tôi vẫn không ngừng tự nhủ với mình: "Không sao hết, mình đừng khóc.". Đó không phải can đảm hay dũng cảm gì hết, chỉ vì tôi, bằng tất cả lòng kiêu hãnh nhỏ tí của mình, hiểu rằng sẽ chẳng có ai lo lắng cho mình mãi được, và nếu có thể, mình nhất định đừng trở thành gánh nặng của người ta. Thế thôi.
Có điều, tôi cũng là người như ai, cũng da đấy thịt đấy, nên làm sao tôi không biết buồn biết khóc cho được, làm sao mà tôi không cần an ủi cho được. Có điều, người ta cứ nghĩ tôi mình đồng da sắt đấy thôi...
Tôi diễn vai người hùng của câu chuyện rất đạt đúng không? Nhưng người hùng cũng có lúc cần được nâng dậy mà...