Canh rau tập tàng
Đó là cái tên mà chị mẹ hay gọi món canh gồm đủ các loại rau linh tinh lượm lặt trong vườn.
Nhà tôi trồng lắm thứ rau củ quả, mỗi loại một ít, rau thơm và rau gia vị đều đủ cả, mùa nào thức nấy, thành ra hiếm khi phải ra ngoài mua rau ăn. Mỗi lần chị mẹ bảo "hôm nay mình ăn canh rau tập tàng nhé", chúng tôi lại ra vườn ngắt vài cành chùm ngây, mấy lá thiên lý non, dăm đọt rau lang, một nắm lá sâm đất, thi thoảng còn có những dây rau càng cua, lá ớt mới nhú hay mấy ngọn mồng tơi xanh nõn. Rau đem về nấu canh suông thế thôi, vì hai mẹ con đều không ưa dầu mỡ, có chăng cho thêm vài lát gừng cho ấm bụng.
Canh rau tập tàng vừa ngọt vừa mát lành, tôi ăn mãi không chán, nhất là những lúc không được ở nhà, ngồi ăn đâu cũng chỉ thèm món canh dân dã đó của mẹ.
Gà vườn
Hai mẹ con tôi không phải người ăn chay trường, nhưng ăn ít thịt lắm, chỉ ăn mấy loại thịt trắng như gà và cá thôi. Tôi thì ngại ăn cá vì cá có nhiều xương dăm, đến tận bây giờ mỗi lần ăn cá tôi vẫn vòi vĩnh mẹ gỡ sạch xương cho mới chịu ăn đấy. Tôi thích thịt gà hơn cả, vì thế chị mẹ thường chịu khó nuôi bầy gà ta sau vườn để chúng tôi có miếng thịt ngon mà ăn, lại có trứng gà để đổi bữa.
Nếu chị mẹ tôi đứng bếp, bà thường sẽ luộc hoặc hấp tất tật mọi thứ lên, vì ăn vị nhạt là sở thích của bà. Còn khi tôi có thời gian rảnh để nấu nướng, tôi hay đem gà ướp với chút nước tương, rượu gạo, vài nhánh gừng với chút hồi, quế và thảo quả, sau đó thả vào chảo, đậy nắp đợi gà chín bằng hơi nóng thôi. Gà thả trong vườn thường thơm thịt, không chút mỡ thừa, tuy mỗi bữa tôi chẳng ăn được quá bốn, năm miếng thịt gà, mẹ tôi thì lại càng ít ăn, nhưng tôi nghĩ đây cũng là một món ăn thú vị và lành hơn nhiều lần so với thịt heo hay thịt bò đấy.
Đậu nành
Chị mẹ nhà tôi làm đậu phụ ngon lắm, vừa thơm vừa ngậy, thế nên cả tôi, Bum và Bò Sữa đều khoái ăn đậu phụ, nhất là Bum, nó ăn đậu nhiều hơn cả cơm, người lúc nào cũng béo mượt đi. Mẹ tôi còn thích ăn cơm chan với sữa đậu nành, tôi thường đùa bảo mẹ rắc thêm mấy hạt đậu với vài lát cà tím nữa là mẹ sang Nhật ở với con bé Aryn luôn được rồi đấy.
Mà nói đến đậu nành thì phải kể đến tương đậu nành ấy nhỉ. Có lần rảnh rỗi chị mẹ tôi đã làm một hũ tương đậu nành mà theo bà là đúng kiểu miền Bắc. Chậc, tương đậu nành vị chua mát, rau muống hay rau lang luộc mà chấm vào thì vô cùng mềm và ngon luôn. Nhưng hình như bây giờ ít người ăn loại tương này, có lần mợ tôi cũng mua đâu về một chai cho tôi, mà tương đóng chai ngọt quá, tôi chịu, chả ăn được. Tôi không biết làm đậu nành lên men, cũng chẳng khéo làm tương luôn, năn nỉ chị mẹ thì chị mẹ lười không chịu làm, tiếc ghê... :"(
Ngải cứu
Hồi bé tôi sợ nhất rau ngải cứu. Đắng ơi là đắng. Thế mà lớn lên lại rất chịu khó hái ngải cứu ăn. Cái món này cũng lạ, thường những miếng đầu rất ngon, bùi bùi, ngậy ngậy, lại mang mùi thơm đặc trưng của những loại cây thuốc, nhưng càng ăn nhiều sẽ càng đắng, lần nào ăn đến những miếng cuối tôi cũng lao đến ôm chặt lấy chị mẹ kêu la ỏm tỏi, thế mà hai mẹ con chả bao giờ bỏ thừa tí nào. Mẹ tôi bảo rau ngải cứu tốt cho sức khỏe, nên phải chịu khó mà ăn, tôi cũng gật gật gù gù, nhóp nhép nhai, cái gì lành dạ thì ăn thôi, nhỉ.
Trà xanh
Nhà tôi có hai cây trà trồng ở góc vườn. Ngày nào hai mẹ con tôi cũng có một ấm trà xanh để uống vào bữa trà chiều. Thi thoảng chúng tôi có bánh gạo hoặc vài chiếc bánh quy dừa để ăn kèm. Buồn chán thì lôi hũ gừng ngâm mật ong ra châm một ít vào trà để uống cho vui miệng. Mỗi ngày uống một ít trà xanh thì da dẻ sẽ mượt mà, chị mẹ dặn thế.
Cơm nhà tôi thường theo kiểu có gì ăn nấy, cái chính là chỉ ăn những gì tốt cho sức khỏe nên có lúc cũng hơi đơn điệu. Tuy vậy cơm nhà đối với tôi vẫn rất tuyệt, vì khi tôi đứng nấu bữa tối bên bếp, tôi có thể nghe thấy tiếng ngân nga hát hò của mẹ tôi vọng từ nhà tắm ra; khi tôi cùng Bum ra vườn hái rau, mùi rau ngải non và hàng sả bên cạnh giếng nước sẽ tỏa ra bám vào áo tôi rất lâu; khi tôi và chị mẹ cùng ôm ly trà xanh nghi ngút khói và nói những chuyện trên trời dưới bể, tôi sẽ cảm thấy bình an len lỏi trong lòng. Cơm nhà thân thương và dung dị, và tôi cũng chỉ cần vậy thôi.